Khánh Hòa: Tăng tốc phát triển giống, thức ăn phục vụ nuôi biển (13-10-2023)

Đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, đảm bảo an toàn sinh học; Nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho một số đối tượng hải sản có giá trị kinh tế… là một trong số những mục tiêu mà ngành thủy sản Khánh Hòa hướng tới để đưa nuôi biển phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Khánh Hòa: Tăng tốc phát triển giống, thức ăn phục vụ nuôi biển
Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của Khánh Hòa

Giống, thức ăn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu

Khánh Hoà có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển với chiều dài đường biển 385 km cùng 200 hòn đảo lớn nhỏ; nhiều đầm, vịnh như: Vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu. Khánh Hòa còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu về biển như: Trường Đại học Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III... Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ khá phát triển, đã chủ động sản xuất được nhiều giống mới, hoàn thiện nhiều quy trình nuôi tiên tiến cho năng suất cao.

Với sự hỗ trợ của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển biền vững (CRSD), Khánh Hòa đã xây dựng và hình thành vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân có quy mô 110 ha với cơ sở hạ tầng đã hoàn chỉnh bao gồm: Hệ thống giao thông, cấp, thoát nước biển, nước ngọt cho sản xuất giống và sinh hoạt; kênh thoát nước, ao trữ nước ngọt, ao xử lý nước thải, hệ thống cấp điện; trạm xử lý và bơm cấp nước; khu quản lý và kiểm định chất lượng tôm giống... Đến nay, giai đoạn 1 của dự án với quy mô 60 ha đã hoàn thành, với 29 ha dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng và 31 ha (9 lô) kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, công suất dự kiến đạt 6 tỷ con giống/năm.

Có thể nói, Khánh Hòa là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản lớn tại khu vực miền Trung. Đối tượng giống thủy sản sản xuất đa dạng gồm nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm... Nguồn giống thủy sản của Khánh Hòa không chỉ cung cấp cho nhu cầu của địa phương mà còn xuất đi các tỉnh miền Tây và các tỉnh phía Bắc.

Tổng số lượng trại giống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa 6 tháng đầu năm 2023 là 221 cơ sở, sản lượng sản xuất đạt hơn 2.156 triệu con giống. Số cơ sở đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 141 cơ sở.

Đối với sản xuất thức ăn, hiện nay, Khánh Hòa đã tiến hành hướng dẫn, kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với 23 cơ sở có vốn đầu tư trong nước theo phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, có 2 công ty sản xuất thức ăn có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thực hiện cập nhật danh sách 23 cơ sở trên vào phần mềm quản lý “Cơ sở dữ liệu giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường thủy sản” thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo TT 24/2018/TT-BNNPTNT.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có các đại lý cung ứng các dịch vụ đầu vào phục vụ cho nuôi trồng thủy sản: Thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, hóa chất, thuốc thú y thủy sản... đáp ứng cho nhu cầu của các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm trên địa bàn.

Một số khó khăn, tồn tại

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực sản xuất giống và thức ăn phục vụ nuôi biển, song hai lĩnh vực này vẫn còn một số khó khăn, tồn tại.

Cụ thể, đối với sản xuất giống thủy sản: Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, chưa chủ động hoàn toàn về con giống sản xuất nhân tạo (tôm hùm, một số loài cá biển, rong biển), con giống sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất giống thủy sản còn chưa được đầu tư tương xứng, chủ yếu quy mô nhỏ. Một số đối tượng như sinh vật cảnh, rong tảo biển chưa có nhiều nghiên cứu để phát triển thành sản phẩm hàng hóa, cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc khai thác nguồn giống từ tự nhiên phần nào làm suy giảm nguồn lợi thủy sản giống (tôm hùm, cá biển) trong tự nhiên.

Còn đối với lĩnh vực thức ăn thủy sản: Việc sử dụng bột cá trong sản xuất thức ăn thủy sản phần nào làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Việc sử dụng thức ăn tươi nuôi tôm hùm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ mà còn gây ra các vấn đề về môi trường. Vì vậy, cần có giải pháp để khắc phục, chủ động được nguồn thức ăn cho nuôi tôm hùm.

Để nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa

Nhằm đạt được mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trưởng trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc, tỉnh Khánh Hòa đã đặt ra một số định hướng cụ thể trong phát triển giống và thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển trong thời gian tới.

Về con giống phục vụ nuôi biển: Đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát được chất lượng giống thủy sản trước khi cung cấp cho vùng nuôi thương phẩm. Áp dụng và đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống thủy sản. Tạo động lực cho phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển; đảm bảo cho phát triển nuôi các loại giống mới có giá trị kinh tế, phục vụ cho chế biển xuất khẩu thủy sản.

Thực hiện xã hội hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống để sản xuất, ương dưỡng con giống, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân chọn giống phục vụ nuôi biển phù hợp, tập trung vào nhóm giá trị kinh tế cao như: Nhóm cá biển (cá giò/bớp, cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá bè vẫu, cá hồng...), nhuyễn thể (ốc hương, ngao hai cùi, hàu, ngọc trai, sò lông...), giáp xác (tôm hùm...), rong tảo biển (rong sụn, rong mứt, tảo biển...), sinh vật cảnh và các đối tượng khác phục vụ nuôi biển.

Về thức ăn phục vụ nuôi biển: Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản theo quy định.

Nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho một số đối tượng hải sản có giá trị kinh tế.

Thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các cơ sở nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.

Khuyến khích các cơ sở nuôi biển hướng đến sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, hạn chế và loại bỏ dần việc sử dụng nguồn cá tạp từ khai thác thủy sản nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường an toàn sinh học.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác